Giải pháp kiểm soát hàng giả, hàng nhái trong thương mại điện tử
Nhiều "chiêu" luồn lách
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, lĩnh vực thương mại điện tử Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì đà phát triển nhanh và ổn định. Năm 2022 vừa qua, quy mô thị trường thương mại điện tử ước đạt 16,4 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với năm trước. Với mức tăng trưởng 20%, có thể thấy, trong suốt 7 năm qua, thương mại điện tử Việt Nam luôn giữ được tốc độ tăng trưởng từ 16 - 30%.
Cụ thể, nếu như năm 2015, thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam mới chỉ đạt 5 tỷ USD, tăng 23% so với năm trước thì đến năm 2018, con số này đã đạt mức 8,06 tỷ USD (tăng 30% so với năm 2017). Sang năm 2019, thương mại điện tử Việt Nam chính thức vượt mốc 10 tỷ USD, đạt 11,8 tỷ USD vào năm 2020, tiếp tục tăng lên 13,7 tỷ USD vào năm 2021.
Sự bùng nổ của thương mại điện tử đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý, đặc biệt là vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng
Với 75% người dân sử dụng Internet, Việt Nam có 74,8% người dùng Internet tham gia mua sắm trực tuyến. Quần áo, giày dép, mỹ phẩm; thiết bị đồ dùng gia đình; đồ công nghệ và điện tử; sách, hoa, quà tặng và thực phẩm… là những loại hàng hóa dịch vụ được người tiêu dùng lựa chọn mua sắm trực tuyến nhiều nhất. Điện thoại di động tiếp tục là phương tiện chủ yếu thường được người tiêu dùng sử dụng để đặt hàng trực tuyến (chiếm 91%).
Mức tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam được các hãng dự báo tiếp tục bùng nổ trong những năm tới và sẽ cán mốc 39 tỷ USD vào năm 2025, đứng thứ 2 sau Indonesia (104 tỷ USD), ngang bằng Singapore.
Tuy nhiên, theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, bên cạnh những mặt tích cực, tình trạng buôn bán hàng giả, gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử vẫn tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp.
Cụ thể, phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi. Nhiều đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt online; phân tán hàng hóa nhiều nơi; chỉ giao hàng với số lượng dè dặt nhỏ lẻ, khó xác định được kho hàng; chỉ bán hàng qua cộng tác viên trung gian; nhiều khi trên website đăng nhiều sản phẩm nhưng thực tế chỉ nhận đơn hàng rồi đặt qua đơn vị khác để làm trung gian kiếm lời…
Đặc biệt, việc các website và các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng khiến lực lượng chức năng rất khó kiểm soát.
Bên cạnh đó, phương thức "treo đầu dê, bán thịt chó" cũng hết sức phổ biến. Các đối tượng khi đưa thông tin lên mạng thì là hình ảnh và thông tin của hàng thật nhưng khi khách hàng nhận được có thể là hàng giả, hàng nhái mà bản thân nhiều lúc khách hàng cũng khó phát hiện.
Đáng lưu ý hơn, nhận thức của một bộ phận người dân đôi khi còn hạn chế hoặc người mua biết hàng giả vẫn mua vì giá rẻ, thích hàng nhái thương hiệu nổi tiếng hoặc chưa đủ kĩ năng và thông tin để nhận biết.
Thực tế cho thấy, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng như Tổng cục Quản lý thị trường, lực lượng chức năng các địa phương đã tiến hành xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Đơn cử, trong tháng 9/2022, Đội Quản lý thị trường số 11, Cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An tiến hành kiểm tra đột xuất và xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH LEVUCE về hành vi thiết lập website thương mại điện tử bán hàng trực tuyến mà không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước.
Tại thời điểm kiểm tra, công ty có hoạt động thương mại điện tử trên website rongnhorganicyukibudo.com. Đoàn kiểm tra đã tiến hành xử lý vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH LEVUCE số tiền 20 triệu đồng.
Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Điện Biên phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, xác minh website tadinhquystore.vn hoạt động mà không thông báo với cơ quan chức năng. Theo đó, website này cũng bị xử phạt hành chính 10 triệu đồng.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, trong năm 2022, đơn vị đã phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường gỡ bỏ 1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm; chặn 5 website có dấu hiệu lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tổng mức xử phạt cho các hành vi gian lận thương mại điện tử là 222 triệu đồng.
Trước sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của thương mại điện tử, theo đó, việc tăng cường xử lý vi phạm hàng giả, gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023.
Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm
Nhằm lành mạnh hóa môi trường thương mại điện tử, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử như kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; không thực hiện thủ tục thông báo, đăng ký website thương mại điện tử; giả mạo logo đã đăng ký với Bộ Công Thương; lừa đảo khách hàng, giả mạo doanh nghiệp khác... trong thời gian tới, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tập trung vào một số giải pháp.
Cụ thể như tuyên truyền và tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội trong việc sàng lọc, phòng ngừa, ngăn chặn đối với các tài khoản không cung cấp đầy đủ thông tin, các tài khoản có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa vi phạm.
Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đồng thời, tăng cường quản lý hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài và hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội. Tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách để có sự điều chỉnh phù hợp thực tế nhằm quản lý tốt hơn hoạt động kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử; Phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong thương mại điện tử, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp.
Cục cũng sẽ tham mưu Bộ Công Thương tích cực phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông quản lý kinh doanh thương mại điện tử trên mạng xã hội, xây dựng và hướng dẫn cụ thể quy trình xử lý kỹ thuật các website vi phạm pháp luật.
Trong năm 2023, Cục sẽ tiếp tục hoàn thiện và trình phê duyệt Đề án Chuyển đổi số ngành Công Thương, Chính phủ số Bộ Công Thương; phát triển Chính phủ điện tử của Bộ Công Thương; tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế trong thương mại điện tử. Các hoạt động này đều nhằm mục đích hướng tới phát triển thương mại điện tử một cách bền vững.